Đặt lịch khám

DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ: PHÒNG NGỪA NHƯ THẾ NÀO?

DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ: PHÒNG NGỪA NHƯ THẾ NÀO?

28/02/2022

Dậy thì sớm ở trẻ là một vấn đề không mới, tuy nhiên, trong những năm gần đây số lượng trẻ dậy thì sớm đã tăng khá nhanh với những nguyên nhân không rõ ràng khiến các bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng.

► Dậy thì sớm ở trẻ là như thế nào?

Dậy thì là quá trình trẻ phát triển chiều cao vượt bậc, thay đổi hình dạng cơ thể và các đặc trưng về giới tính của người lớn. Tuổi dậy thì bình thường bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi ở bé gái và 9 đến 14 tuổi ở bé trai.

Dậy thì sớm là hiện tượng cơ thể của trẻ bắt đầu thay đổi thành cơ thể của người lớn sớm hơn bình thường. Các dấu hiệu của quá trình dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai được coi là dậy thì sớm. Bao gồm:
 
  • Ngực phát triển và bắt đầu có kinh nguyệt ở bé gái.
  • Tinh hoàn và dương vật to ra, lông mặt và giọng nói trầm hơn ở các bé trai.
  • Lông mu hoặc lông nách.
  • Phát triển chiều cao nhanh chóng.
  • Mụn.
  • Mùi cơ thể người lớn…

► Dậy thì sớm ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?   

Theo Bác sĩ Trương Dạ Uyên – Chuyên Khoa Nội Tiết, Trưởng Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) nhận định, thực tế hiện tượng trẻ bị dậy thì sớm sẽ có tác hại rất lớn, không những ảnh hưởng đến vấn đề tâm sinh lý mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của trẻ.  
  
  • Hạn chế chiều cao: Ban đầu trẻ dậy thì sơm có thể cao nhanh hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên do xương của trẻ dậy thì sớm trưởng thành nhanh hơn trẻ bình thường, nên có thể làm trẻ mất từ 6-7cm chiều cao so với chiều cao theo di truyền của bố mẹ. 
  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Cơ thể, vóc dáng của trẻ dậy thì sớm sẽ phát triển nhanh, không giống các bạn bè đồng trang lứa, điều đó dễ khiến trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, căng thẳng, nhạy cảm và sơ bị bạn bè kỳ thị, đôi khi gây tổn thương lòng tự trọng và trầm cảm ở trẻ.
  • Lạm dụng chất kích thích: Những trẻ bước vào giai đoạn dậy thì khi còn quá nhỏ thường dễ rơi vào bẫy của tệ nạn ma túy hoặc các chất kích thích. Do đó hút thuốc và uống rượu thường là những vấn đề phổ biến ở những trẻ dậy thì sớm.
  • Quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Tuy nhiên, trẻ còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
  • Những rủi ro khác: Một số nguyên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa dậy thì sớm và các khối u ác tính ở bé trai, các bé gái có nguy cơ mắc ung thư vú sau này. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có nhiều bằng chứng.   

► Nguyên nhân nào dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ?

Hầu hết là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm của trẻ bao gồm:
 
  • Trẻ em gái có nhiều khả năng phát triển dậy thì sớm hơn.
  • Bị béo phì. Trẻ em bị thừa cân đáng kể có nguy cơ phát triển dậy thì sớm hơn.
  • Đang tiếp xúc với hormone sinh dục từ bên ngoài đưa vào. Ví dụ dùng kem hoặc thuốc mỡ chứa estrogen hoặc testosterone, hoặc các chất khác có chứa các hormone này (thuốc hoặc thực phẩm chức năng giúp tăng khối lượng cơ…)
  • Dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng McCune-Albright hoặc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh - tình trạng liên quan đến việc sản xuất bất thường các nội tiết tố nam (Testosterone). 
  • Dậy thì sớm cũng có thể do bệnh suy giáp chưa được điều trị ở trẻ.
  • Đã được xạ trị hệ thần kinh trung ương. Điều trị bức xạ cho các khối u, bệnh bạch cầu hoặc các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.

► Ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ như thế nào?  
 
  • Dậy thì sớm là một vấn đề cần phải được quan tâm một cách đúng mức và nghiêm túc bởi tác hại của nó ảnh hưởng đến trẻ không nhỏ.   
  • Do đó, phụ huynh cần có một số biện pháp đề phòng ngừa con trẻ dậy thì sớm như: 
  • Áp dụng chế độ sống 3 TĂNG - 3 GIẢM cho trẻ đó là: Tăng vui chơi giải trí - Tăng vận động - Tăng thời gian ngủ. Giảm thức ăn công nghiệp - Giảm thời gian chơi máy vi tính, điện thoại - Giảm áp lực học tập.  
  • Giữ cân nặng ổn định để giảm nguy cơ dậy thì sớm và các tình trạng khác liên quan đến béo phì và thừa cân, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2. 
  • Tránh cho trẻ dùng thuốc nội tiết tố theo toa, thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác có thể chứa estrogen hoặc testosterone khi chưa có sự khuyến nghị của bác sĩ.      

Duy trì chế độ ăn khoa học với đầy đủ các nhóm thực phẩm. Chú ý cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ… Nếu bố mẹ phát hiện con mình có những biểu hiện của dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ tầm soát và tư vấn hướng điều trị phù hợp.   

► Điều trị

Mục tiêu chính của việc điều trị dậy thì sớm là giúp con bạn phát triển chiều cao bình thường khi trưởng thành cũng như hạn chế các tác động tiêu cực về tâm lý, xã hội lên trẻ. 

Các biện pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Nguyên nhân dậy thì sớm thường không thể xác định được, nhưng nó có thể được điều trị hiệu quả thông qua liệu pháp tiêm chất tương tự GnRH hàng tháng, giúp trì hoãn quá trình dậy thì của trẻ. Trẻ tiếp tục nhận được thuốc này cho đến khi trẻ đến tuổi dậy thì bình thường. Trung bình, sau khi ngưng thuốc 12 đến 16 tháng thì quá trình dậy thì và chức năng sinh sản của trẻ hoạt động trở lại bình thường.     

Ngoài ra điều trị bệnh tiềm ẩn gây ra dậy thì sớm cũng giúp ngăn quá trình trẻ bị dậy thì sớm…

► Hỗ trợ: Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp y khoa bằng cách gặp bác sĩ Nhi Khoa hoặc bác sĩ Nội Tiết.

Bố mẹ có thể chuẩn bị gì khi đến tham vấn với bác sĩ?
 
  • Viết ra các triệu chứng của con bạn.
  • Viết ra thông tin cá nhân chính, bao gồm căng thẳng lo lắng, những thay đổi trong cuộc sống của trẻ gần đây.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin, chất bổ sung mà con bạn dùng hoặc những người khác trong nhà dùng - vì con bạn có thể đã tiếp cận với chúng.
  • Lập danh sách chiều cao của các thành viên trong gia đình, đặc biệt nếu có bất kỳ thành viên nào thấp khi trưởng thành.
  • Ghi lại tiền sử bệnh tật của gia đình bạn và lưu ý xem có thành viên nào trong gia đình bị dậy thì sớm hoặc có vấn đề về nội tiết hay không.
  • Mang theo biểu đồ tăng trưởng của con bạn nếu có.
  • Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ. 

Khoa Nội tiết tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) cung cấp toàn diện các dịch vụ chăm sóc và điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng của hệ thống nội tiết và các hormone. Tại đây, các bác sĩ Nội tiết chuyên môn cao, tận tâm và giàu kinh nghiệm, luôn kết hợp chặt chẽ với những chuyên khoa khác nhằm đảm bảo chẩn đoán chính xác và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

  • bởi Super Admin
  • Danh mục: Tin tức & Sự kiện

Để lại bình luận

Tin tức

Bác sĩ

Các chuyên gia tại AIH

Đỗ Ngọc Đức (Dr.)

Đỗ Ngọc Đức (Dr.)

Khoa nhi

Nguyễn Kim Hoa (Dr.)

Nguyễn Kim Hoa (Dr.)

Khoa phụ sản

Obstetrics And Gynecology

Huỳnh Đoàn Phương Mai (Dr.)

Huỳnh Đoàn Phương Mai (Dr.)

Khoa Thận Niệu - Nam khoa

Urology & Andrology

Mai Phan Tường Anh (Dr.)

Mai Phan Tường Anh (Dr.)

Khoa ngoại tổng hợp

General Surgery

Hoàng Thị Thanh Thảo (Dr.)

Hoàng Thị Thanh Thảo (Dr.)

Khoa phụ sản

Obstetrics And Gynecology

Nguyễn Xuân Chiến (Dr.)

Nguyễn Xuân Chiến (Dr.)

Khoa Thận Niệu - Nam khoa

Urology & Andrology